Khám phá sự tinh tế nghệ thuật khắc búp bê Hakata Nhật Bản

Để làm nên sự độc đáo cho tác phẩm của mình, nhiều nghệ nhân còn sử dụng bột vàng và bạc để trang trí búp bê đắt tiền.

Nằm trên đảo Kyushu thuộc miền Nam Nhật Bản, Fukuoka thực chất là hai thành phố ghép lại: đó là thành phố Fukuoka và Hakata. Năm 1889, sau khi sát nhập, Fukuoka được chọn làm tên chung và cái tên Hakata bị chìm vào dĩ vãng.

Ngày nay, những ký ức về Hakata chỉ còn sót lại trong biểu tượng của thành phố: búp bê Hakata, “nhân vật chính” trên sân khấu trung tâm thành phố trong mỗi dịp lễ hội Hakata Gion Yamakasa diễn ra vào tháng 7 hàng năm.

Loại búp bê làm từ sứ không tráng men này còn gọi là ningyo, ra đời từ khoảng thế kỷ 17 khi các daimyo (chúa đất) hỗ trợ cho những thợ thủ công địa phương. Ban đầu, những con búp bê bằng đất sét được dùng làm quà tặng cho các ngôi chùa thờ Phật ở địa phương và tặng cho Kuroda Nagamasa, người sau này trở thành lãnh chúa của Hakata. Tuy nhiên, rất nhiều nhà khảo cổ lại cho rằng xuất xứ khởi thủy của nó là từ Trung Quốc.

Những bậc thày về kỹ thuật làm búp bê này ngày nay không còn nhiều. Hầu hết họ phải luyện tập các kỹ năng làm búp bê từ khi còn trẻ.

Từ những con búp bế trắng ban đầu đơn sơ, nghệ nhân mới thêm vào các chi tiết làm cho búp bê giống với các nhân vật trong đời sống thực như chiến binh, thương nhân… Mỗi con búp bê “ngốn” mất của nghệ nhân một khoảng thời gian ít nhất 3 tuần.

Việc đầu tiên là phải khắc nên hình dáng của nhân vật từ đất, sử dụng dao và bay. Phần bên trong được làm rỗng để con búp bê nhẹ hơn. Phần khắc thô này sẽ được phơi 10 ngày sau đó nung khoảng 8 tiếng ở nhiệt độ 900 độ C. Cuối cùng, những màu sắc làm từ nguyên liệu thực vật được sử dụng để tô lên bức tượng.

Những con búp bê Hakata nổi tiếng với vẻ thanh lịch, chau chuốt tới từng công đoạn. Một số con được sản xuất đại trà nhưng nhiều con khác chỉ làm đơn chiếc và rất độc. Hầu hết búp bê đều lấy cảm hứng từ một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Chủ đề yêu thích của các nghệ nhân là: bijin: các cô gái đẹp, diễn viên kịch kabuki, nhân vật kịch noh, nhân vật tôn giáo, sumo, samurai và trẻ con.

Để làm nên sự độc đáo cho tác phẩm của mình, nhiều nghệ nhân còn sử dụng bột vàng và bạc để trang trí búp bê đắt tiền.

Các dụng cụ được sử dụng để làm búp bê đều là vật dụng cổ truyền. Một số nghệ nhân dùng răng cá để chà vàng cho sáng. Đây là một kỹ năng cổ truyền. Một số khác lại dùng răng chó. Mỗi con búp bê cỡ này có giá tới cả triệu yen Nhật.


Mỗi dịp tháng 7, những nghệ nhân phải làm nhiều búp bê lớn hơn, phục vụ cho lễ hội Hakata Gion Yamakasa kéo dài 15 ngày. Vào ngày 1.7, các xe hoa gọi là kazariyamakasa được làm bởi các nghệ nhân, có chiều cao 16 mét và được trang trí một với nhiều con búp bê tuyệt đẹp.

Lễ hội bắt đầu lúc 4 giờ 59 phút ngày 15.7 và 7 đội, bao gồm 30 người đàn ông chạy trên phố, gánh các xe hoa lên vai. Xe hoa nào chạy nhanh hơn sẽ chiến thắng.

Du khách không đến đúng dịp lễ hội vẫn có cơ hội xem lại qua đoạn phim được chiếu ở bảo tàng dân tộc Hakata Machiya. Gần đó, cũng có nhiều cửa hàng bán búp bê.

Để tìm hiểu kỹ hơn về nghệ thuật làm búp bê, du khách có thể đăng ký các tour kéo dài 4 giờ, tham quan nơi búp bê được làm và thậm chí là tự tay tô màu, trang trí búp bê làm kỷ niệm.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *